Tuần vừa rồi, theo lời mời của cô H - một phụ nữ đã ngoài 60, tôi đến khảo sát một ngôi nhà yến ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Ngôi nhà này có diện tích khá lớn, hơn 600 m2 (10 x 20 x 3 sàn) nhưng được thiết kế cực kỳ sơ sài. Kết quả là ngôi nhà này chỉ có vỏn vẹn 4 tổ sau 1,5 năm hoạt động. Đây là một kết quả quá ít ỏi so với khoảng đầu tư hàng tỷ đồng của chủ nhà.
Ở thời điểm khảo sát, lúc 10h30 sáng, nhiệt độ bên trong là 31*C và độ ẩm khi đó là 90Rh. Hệ quả tất yếu là đa số thanh làm tổ bằng gỗ Bạch Tùng bị mốc rất nặng. Cho dù thời gian chạy máy phun sương trong ngày là rất ít, chỉ 6 lần / ngày, mỗi lần 2-3 phút. Điều này chứng tỏ khả năng kiểm soát nhiệt - ẩm rất kém. Chỉ khoảng 5 cặp chim chấp nhận ở lại tầng dưới cùng (nhiệt độ thấp nhất).
Bước vào bên trong, bạn có thể đi lại rất thoải mái mà không cần dùng đến đèn pin. Một vài tấm bạt được treo tạm bợ ở khu vực lồng cu dường như để che bớt đi phần nào ánh sáng bên trong nhưng cũng không mấy tác dụng. Do chúng không được cố định kỹ nên vô tình sẽ trở thành chướng ngại vật đối với lũ yến.
Hệ thống âm thanh cũng sơ sài không kém. Vỏn vẹn 42 cái loa trong cho mỗi sàn với diện tích 200 m2. Ngoài 4 cái loa ở miệng hang, hệ thống loa dẫn dụ bên trong chỉ có vài cái, lắp cũng không đúng vị trí cần thiết. Cũng không hề có sự phân biệt giữa âm trong và âm ngoài.
Cửa miệng hang với kích thước 30 x 50 cm là quá nhỏ cho một nhà yến mới. Trừ đi phần không gian cho mấy cái loa và sợi dây giăng ngang để chống cú, phần còn lại chỉ vừa đủ để yến bay vào từng con từng con một. Lũ yến muốn ở đây chắc phải học cách xếp hàng.
Mỗi tầng chỉ có lác đác vài ba cái tổ giả được lắp.
Do ngôi nhà này khá lâu không được chăm sóc nên mùi bầy đàn cũng không còn. Chỉ thấy phân yến được ngâm ra rồi quét vương vãi khắp nơi.
Nếu chủ nhà không có cải thiện gì thì với cách làm này, viễn cảnh được thu hoạch tổ yến sẽ còn quá xa vời.
Chúc mọi người nuôi yến thành công!!!
0 comments