(BVPL) - Đó là nhận định của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, nuôi chim yến xung quanh việc tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm A/H5N1 phát hiện tại cơ sở Thanh Bình (592 đường Thống Nhất, TP.Phan Rang). Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng chưa thực hiện kỹ lưỡng, thiếu chặt chẽ trong quy trình kiểm tra, xác định mẫu chim bị nhiễm bệnh. Sự việc trở nên nghiêm trọng do một cổ đông của doanh nghiệp nuôi chim yến cung cấp thông tin ra công chúng.
Sự bức xúc của người dân đã lên đến “đỉnh điểm” khi tỉnh Ninh Thuận
công bố phát hiện virus cúm A/H5N1 tại cơ sở Thanh Bình. Nói là “đỉnh
điểm” bởi ngay sau khi công bố dịch, rất nhiều người dân tỏ ra hoang
mang trước tin đồn dịch có thể lan tỏa, người tiêu dùng ngừng sử dụng tổ
yến (yến sào) để tham khảo thông tin và doanh nghiệp kinh doanh yến sào
thì điêu đứng vì thị trường không có giao dịch.
Thông tin gây hoang mang
Các kết quả xét nghiệm âm tính (không nhiễm virus) từ chim yến tại cơ sở Thanh Bình. |
Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược. Chim yến chết được xác
định bởi nhiều nguyên nhân (môi trường sống nhà chim chật hẹp, khí hậu
miền Trung vào giai đoạn nắng nóng kéo dài...). “Lý do thông tin chim
chết ban đầu được cung cấp ra bên ngoài khiến sự việc phức tạp hơn bởi
ông Võ Thái Lâm, Nguyên Sáng lập viên Công ty CP Yến Việt, Nguyên Tổng
Giám đốc Công ty CP Yến Việt (chủ quản Cơ sở Thanh Bình)” – một đại diện
Công ty Yến Việt cho chúng tôi biết.
Một trong những nhà khoa học từng có kinh nghiệm nghiên cứu trên 15
năm trong chuyên ngành nuôi chim yến, PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu,
nguyên Trưởng phòng Công nghệ tế bào động vật - Viện Sinh học Nhiệt đới
(thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) khẳng định: “Đây là lần đầu
tiên trên thế giới phát hiện chim yến nhiễm virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên,
kết quả này không thuyết phục vì quy trình kiểm nghiệm và công bố dịch
trên chim yến vừa qua dường như chưa được tiến hành một cách kỹ lưỡng
nhằm đảm bảo tính chính xác. Các kết quả kiểm nghiệm do các đơn vị có
chức năng xét nghiệm dường như cũng không được cung cấp kịp thời cho
doanh nghiệp.
Ở đây, chúng ta không trách cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm,
bởi đúng là lần đầu tiên trên thế giới gặp phải tình trạng này. Tuy
nhiên, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần tham khảo ý kiến từ các nhà khoa
học trước khi công bố thông tin. Việc tiến hành giám sát phòng chống
dịch cũng cần được cẩn trọng xem xét kỹ lưỡng trước khi công bố thành
dịch”.
Chim yến vẫn sống bình an tại các nhà yến gần cơ sở Thanh Bình, tỉnh Ninh Thuận |
TS. Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học
Hòa An (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích: Tại các nước, khi xử lý dịch
cúm gia cầm, người ta hiểu được sâu xa của cơ chế lây lan, từ đó giải
quyết các ổ dịch đúng hướng nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm. Chỉ
riêng chúng ta làm theo một cách hoàn toàn khác là phát hiện ổ dịch thì
khoanh bán kính mấy cây số rồi tiêu hủy hết, có những chuồng trại không
bị dịch cũng tiêu hủy luôn. Về vấn đề chim yến hiện nay ở Việt Nam, tôi
cho rằng cần phải nghiên cứu cụ thể, phải biết chính xác rồi mới quyết
định. Tôi tin là không có ai làm như cách mà chúng ta đã từng làm và
đang làm là diệt tất tần tật như vậy cả.
Ông L.D.H, chuyên gia trong lĩnh vực nuôi chim yến tại Việt Nam,
người đang tiến hành nuôi chim yến tại Indonesia cho biết: Ở một số nước
như Indonesia, người ta hàng trăm ngàn nhà yến so với vài ngàn nhà yến
tại Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua mấy lần phát dịch cúm A/H5N1 trên gia
cầm nhưng hoàn toàn chưa phát hiện dịch cúm trên chim yến. Bản thân chim
yến là loài sinh trưởng tự nhiên, sức đề kháng rất cao và cũng không có
môi trường tiếp cận các loại gia cầm để bị nhiễm virus. Loài chim yến
chỉ bay đi ăn xa, không dừng đậu tại chỗ và chỉ đi theo đàn. Nếu xảy ra
dịch A/H5N1 thực sự, khả năng lan tỏa dịch rất lớn, chim sẽ chết theo
đàn chứ không chết lẻ tẻ như tại cơ sở Thanh Bình.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM nhận
định: Số chim yến chết tại cơ sở Thanh Bình là số chim yến tơ, chim yến
còn non chết trong khu vực nhà nuôi. Thực tế chưa thống kê được số chim
yến trưởng thành chết trong quá trình đi tìm thức ăn bên ngoài. Do đây
là chim hoang dã gây nuôi, do đó đến nay vẫn chưa có kết luận khoa học
về thời gian nhiễm và nung bệnh, thể hiện triệu chứng bệnh trên chim yến
đối với bệnh cúm gia cầm. Trên thế giới đến nay chưa có quốc gia nào
công bố thông tin xảy ra bệnh cúm gia cầm trên chim yến, và đối với Việt
Nam chúng ta đây cũng là trường hợp đầu tiên được ghi nhận.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã nghiên cứu và xác định virus cúm
A/H5N1 không thể tồn tại trên tế bào khô. Tổ yến là thành phần tế bào
khô, do đó loại virus cúm này không thể tồn tại được trên tổ yến. Khi
người sử dụng tổ yến đã qua quá trình làm sạch và nấu chín ở nhiệt độ
100 độ C nên mầm bệnh chắc chắn không thể tồn tại gây hại cho người
(virus cúm chỉ tồn tại đến 70 độ C).
Vấn đề đáng quan tâm
Khi tiếp cận với lãnh đạo Công ty CP Yến Việt, Tổng Giám đốc Đặng
Phạm Minh Loan rất bình tĩnh và thiện chí trả lời báo giới. Theo bà
Loan, mặc dù đã được chuẩn bị trước về việc tổn thất tài sản, đối với
cán bộ công nhân viên của công ty, đặc biệt là những người quản lý nhà
chim, việc phải xử lý đàn chim khỏe (hiện nay hầu như không còn chim
bệnh trong đàn chim) là một quyết định vô cùng khó khăn và họ đã phải
trải qua những cơn sốc tâm lý khá nặng nề. Đây là loài chim quý, mang
lại thu nhập và công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân. Đã gắn bó với
đàn chim hàng chục năm, mỗi ngày ngắm nhìn chúng bay đi kiếm ăn mỗi sáng
sớm và đón chúng bay về mỗi ngày khi chạng vạng tối, đội ngũ nhân viên
không ai cầm được nước mắt khi đón nhận quyết định tiêu hủy đàn chim.
“Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với các cơ quan chức năng
về quyết định xử lý đàn chim tại nhà chim Thanh Bình (Phan Rang - Tháp
Chàm, Ninh Thuận), mặc dù tình hình chim chết đã chấm dứt và toàn bộ 10
mẫu chim xét nghiệm từ ngày 16/4/2013 đến nay đều cho kết quả âm tính
với H5N1. Công ty đã chủ động phối hợp cùng Cơ quan Thú y vùng VI và Chi
cục Thú y Ninh Thuận tiến hành các bước cần thiết và làm công tác tiêu
độc, khử trùng cho khu vực nhà chim nói trên” – bà Loan khẳng định.
Để tìm hiểu kỹ càng thêm, PV Báo BVPL Online đã xuống tận các cơ sở
nuôi chim yến tại TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, khu vực xung quanh cơ
sở Thanh Bình và chúng tôi phát hiện hầu hết cơ sở này không có chim
nhiễm virus A/H5N1, các kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng đều cho
kết quả âm tính. “Nếu thực sự có dịch phán tán, chắc chắn vài trăm ngàn
chim yến tại khu vực Ninh Thuận đã có thể bị lây nhiễm, số lượng chim
chết sẽ tăng chứ không thể giảm như tại cơ sở Thanh Bình” - ông Lê Anh
Tuấn, đại diện cơ sở nuôi chim yến tại hẻm 586 đường Thống Nhất, TP.
Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận phân tích.
Căn cứ vào thực tế hiện nay chưa phát hiện mẫu phân nhiễm virus
A/H5N1, các chim yến sống cũng không phát hiện nhiễm virus A/H5N1, dư
luận rất mong các cơ quan chức năng tại tỉnh Ninh Thuận kỹ lưỡng kiểm
tra lại toàn bộ quy trình xét nghiệm, lấy mẫu, công khai minh bạch kết
quả xét nghiệm nhằm đảm bảo tránh rơi vào tình huống “giấu dịch”, nhưng
cũng không gây ra thông tin quá sự thật về dịch bệnh.
Cần xác định rõ một số mẫu chim chết nhiễm virus từ đâu mà có ? Quá
trình đưa mẫu chim này đi kiểm nghiệm có được niêm phong chặt chẽ hay
không? Không loại trừ những cá nhân có ý định muốn phá hoại hoạt động
nuôi chim hợp pháp bằng những biện pháp xấu, vô tình gây ra hậu quả
nghiêm trọng. Và nếu thực sự có liên quan đến sự phá hoại hoạt động nuôi
chim yến, gián tiếp gây tổn hại đến uy tín thương hiệu cộng đồng doanh
nghiệp trên thị trường, thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan công an vào cuộc
để điều tra xử lý đúng người, đúng tội.
CÁT TRÍ
Theo Bảo Vệ Pháp Luật
0 comments