Chuyên trang chia sẻ, phổ biến kiến thức, kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà theo công nghệ của các nước có nghề yến phát triển như Indo, Malaysia, cũng như kinh nghiệm thực tế đầu tư nuôi yến tại Việt Nam. Website này được phát triển bới Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Yến Vương, chuyên nhập khẩu và phân phối thanh làm tổ red meranti, thiết bị nuôi yến, nhạc yến, hóa chất dẫn dụ... từ Malaysia

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Chim yến nhiễm H5N1: Nếu kết luận vội vã sẽ thiệt hại rất lớn


PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu.


(TBKTSG Online) - Trước thông tin đàn chim yến nuôi trong nhà tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, bị phát hiện chết hàng loạt (gần 5.000 con), trong đó có một số mẫu xét nghiệm bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1, những ngày gần đây đã dấy lên làn sóng lo lắng cho hàng ngàn hộ nuôi chim yến trên cả nước.
PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng công nghệ sinh học động vật, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã chia sẻ với TBKTSG Online từ góc nhìn của nhà khoa học về vấn đề này.
TBKTSG Online:  Là nhà khoa học có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu chim yến nuôi, bà có suy nghĩ gì trước thông tin một số doanh nghiệp và hộ nuôi chim yến tại Phan Rang phát hiện đàn chim yến bị nhiễm cúm gia cầm H5N1 với kết quả xét nghiệm dương tính?
- PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu: Từ năm 2004, Việt Nam bắt đầu phát triển nuôi chim yến, và đến nay đã trở thành một nghề với hàng ngàn hộ nuôi chim. Nhờ vậy mà sản lượng yến tăng hơn gấp đôi so với trước đây chỉ dựa vào khai thác yến đảo. Dự tính hiện nay có thể đạt được khoảng 10 tấn tổ yến nuôi và tổ yến đảo/năm.
Nghề nuôi chim đang trên đà phát triển, nhiều gia đình đã đầu tư vài trăm triệu cho đến vài tỉ đồng, cho nên khi đề cập đến bệnh tật của chim yến thì đó là một vấn đề nhạy cảm, cần hết sức chú ý.
Nếu khẳng định đàn chim ở Ninh Thuận chết vì H5N1, thì đó là một vấn đề lớn cho cả vùng, có thể có ảnh hưởng không nhỏ đến nghề này. Vì vậy, để có đầy đủ thông tin nên đồng thời xét nghiệm mẫu tại một số phòng thí nghiệm và trên nhiều vật phẩm khác nhau.
Khi phát hiện có hiện tượng chim yến chết hàng loạt, ngoài kiểm tra mầm bệnh còn cần phải xem xét thêm đến môi trường, môi trường tự nhiên và môi trường trong nhà yến.
Tháng 3-2013, nhiệt độ không khí ở miền Trung lên đến 38-39 độ C, khô hạn kéo dài, nguồn nước cạn kiệt, chim yến lại rất cần nước ngọt mỗi buổi chiều, có thể uống phải nguồn nước xấu có độc tố. Thức ăn cho chim cũng không đủ vì côn trùng cũng cần có mưa mới sinh sôi nẩy nở, phải đi xa để uống nước và kiếm ăn, chim phải tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó môi trường nhà yến có thể rất xấu như không thông thoáng, không tiến hành vệ sinh, phân chim tích tụ quá nhiều, sự phân hủy các chất thải này sẽ tỏa nhiệt làm nhiệt độ trong nhà yến có thể còn cao hơn nhiệt độ bên ngoài, có thể lên đến 40-41 độ C, đạt đến ngưỡng nhiệt độ gây chết của loài chim này.
Các chất thải nhiều còn làm các yếu tố độc hại khác như CO2, H2S, Amoniac tăng cao, Oxy giảm thấp. Có một thí dụ nêu ra để tham khảo, vào năm 1999, sản lượng yến sào ở một tỉnh miền Trung giảm 20% và tiếp theo năm 2000 giảm 60%. Đó là những năm nhiệt độ không khí tăng cao đột ngột, mặc dầu khó tìm thấy xác chim chết của đàn chim sống ở đảo, nhưng qua số lượng tổ đã thấy một số lượng không nhỏ chim không làm tổ nơi đây.
Khi thấy hiện tượng chim chết hàng loạt, theo tôi cần lấy mẫu chim, xem xét và lưu lại các tư liệu thức ăn trong dạ dày, ruột, lông, phổi, thịt chim và nhiều mẫu khác để có các phân tích sinh học tiếp theo.
Liệu có khả năng từ một vài con chim yến xét nghiệm với kết quả dương tính cúm A/H5N1 sẽ lây lan ra cả bầy đàn và vùng nuôi chim?
- Vì đây là vấn đề mới nên tôi chưa có đủ tư liệu để phát biểu về vấn đề lây lan. Trước mắt, đối với các nhà yến đông chim, vận hành 2-3 năm cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, hàng tuần cần hốt hết phân, mở các lỗ thông gió, để không khí nóng thoát ra ngoài, thường xuyên khống chế nhiệt độ đúng chuẩn yêu cầu, theo dõi các hiện tượng và sự biến động của đàn chim. Có camera theo dõi trên sàn nhà xem có xuất hiện chim chết không, phát hiện hiện tượng yếu và chết của chim, từ từ từng cá thể hay đồng loạt cả đàn sau khi đi ăn về...
Có thể tham khảo những triệu chứng thường gặp khi gia cầm bị cúm như: chết đột ngột, chết hàng loạt hoặc có biểu hiện một số triệu chứng khi kiểm tra như chim chết thấy chảy nước mắt, nước dãi, mổ ruột không có thức ăn, xuất huyết ở những chỗ da không có lông. Đặc biệt là chân; khi còn sống chim đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống, khó thở, ỉa chảy, các biểu hiện thần kinh như quay vòng, nghẹo cổ. Khi phát hiện các hiện tượng này cần có biện pháp xử lý ngay lập tức.
Tôi muốn nhắc lại là cần phải thu thập tư liệu và làm thêm một số xét nghiệm khác có tính chất tổng hợp hơn về môi trường trong và ngoài nhà yến ở khu vực nuôi Phan Rang trong khoảng thời gian đó, để có một cái nhìn tổng thể, khách quan, và có những hướng dẫn cụ thể để giàm bớt ảnh hưởng của vấn đề này đến nghề nuôi yến nói chung.
Người tiêu dùng hiện rất lo lắng về chất lượng của tổ yến nuôi sẽ bị suy giảm giá trị dinh dưỡng một khi chim yến bị nhiễm cúm gia cầm?
- Trong năm 2010 đã có những công bố hàm lượng protit trong yến nuôi ở các vùng khác nhau của Malaysia có giá trị dinh dưỡng khác nhau, nghĩa là chất lượng tổ yến phụ thuộc khá rõ vào vùng và mùa có nhiều hay ít thức ăn thiên nhiên. Tất nhiên trong những năm nắng nóng chim yến khó kiếm thức ăn thì tổ yến sẽ nhỏ và kém giá trị hơn. Tổ yến nuôi ở các nhà yến không có chim bệnh thì không bị giảm giá trị.
Bà có thông tin gì về các nước trong khu vực phát triển nghề nuôi chim yến trước chúng ta từ 10-20 năm?
- Tổng sản lượng yến trên thế giới hiện nay lên đến hơn 3.700 tấn/năm, doanh thu thương mại tổ yến năm 2010 đạt khoảng 6 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay Indonesia đang sản xuất 70% sản lượng tổ yến trên toàn thế giới, khoảng 2.000 tấn/năm, với tổng lượng đàn chim khoảng 80 triệu con, Malaysia sản xuất được khoảng 275 tấn/năm, đàn yến cũng có khoảng 10 triệu con chim, trong khi đó sản lượng tổ yến đảo và tổ yến nuôi tại Việt Nam chỉ tầm 10 tấn/năm.
Kể từ khi có bệnh cúm gia cầm đến nay, để bảo vệ nghề nuôi yến và con người, cơ quan thú y tại các nước trong khu vực Đông Nam Á có liên quan đến nghề nuôi chim yến hàng quí, hàng năm đều tiến hành kiểm tra giám sát thường xuyên, lấy phân và vật phẩm trên đối tượng yến để xét nghiệm mẫu, nhận thấy không có kết quả dương tính với bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, để phòng bệnh họ cũng đặt ra các quy định khá chặt chẽ về vùng phát triển nuôi yến và các tiêu chuẩn vệ sinh nhà yến...
Suốt từ tháng 3, tháng 4-2013, tôi theo dõi liên tục các thông tin ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan… thì cho đến nay chưa có tư liệu nào nói rằng chim yến tại các nước này bị nhiễm bệnh cúm A/H5N1. Hầu hết đều nói chim yến là loài chim suốt ngày bay trong không trung để kiếm mồi, do chân yếu ớt không bao giờ đậu, ngoại trừ những nơi làm tổ, vào thời gian chim nghỉ ngơi ấp trứng.
Chim yến không chia sẻ không gian bay hoặc làm tổ với các loài chim khác, là một loài sống khá cô lập với các đối tượng khác, cơ hội tiếp xúc với nguồn bệnh rất ít, ngoại trừ nguồn nước. Nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm, cảm nhiễm H5N1 từ chim yến ở các nước nêu trên là rất nhỏ.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, một khi Việt Nam đã công bố đàn chim yến nhiễm bệnh H5N1 thì phải trải qua các bước xét nghiệm mẫu từ nhiều đơn vị khác nhau ở trong và ngoài nước để có kết quả chính xác và khách quan nhất. Trong trường hợp chúng ta thông tin một cách vội vã, thiếu sự thận trọng, thiếu sự phối hợp giữa các cấp ban ngành thì sự tác hại về kinh tế trong lĩnh vực này rất lớn.
Các bước phòng cúm gia cầm H5N1 trên đối tượng chim yến  
Chim yến làm tổ trong nhà. Ảnh: Uyên Viễn

Theo PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút H5N1 gây ra. Nó nguy hiểm vì có thể làm cho gia cầm chết đột ngột, hàng loạt và lây lan nhanh. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim nuôi, chim hoang dã... đều có thể mắc bệnh.
Cúm gia cầm có thể lây sang người và một số loài thú và gây tử vong cho người. Vi rút có thể sống trong phân, nước, đất... từ hai đến bốn tuần.  Vi rút chỉ chết ở 70 độ C trở lên, có thể sống trong nhiệt độ lạnh (tủ lạnh, tủ đá) hàng tháng.
Sự lây nhiễm cúm qua hai con đường: Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với chim hoang dã đã bị nhiễm bệnh. Lây gián tiếp qua tiếp xúc trực tiếp với phân, lông... bị nhiễm vi rút. Chim hoang dã và vịt gà bị nhiễm vi rút cúm có thể truyền vi rút sang chim yến thông qua lông, phân, xác chết... của chúng rơi xuống ao, hồ, nguồn nước mà chim yến uống.
Để bảo vệ an toàn đàn chim phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang các nhà yến khác, trước mắt cần thực hành những thói quen tốt sau đây:
1. Khi có chim yến bị chết ở khu vực nuôi, cần đeo khẩu trang và găng tay để cho chim vào túi nilon, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với chim chết đồng thời báo cho cán bộ thú y biết.
2. Rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, thay quần áo sau khi ra khỏi nhà yến. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với chim.
3. Hàng ngày vệ sinh nhà yến và khu vực nuôi có chim bệnh (quét dọn phân, lông, chất thải...), sau đó đem đốt hoặc chôn. Hàng tuần rửa sạch và khử trùng dụng cụ chăn nuôi.
4. Vệ sinh sạch sẽ giầy, dép, dụng cụ chăn nuôi, lốp xe, bánh xe khi ra khỏi nơi nuôi chim. Khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, Chloramin B...
Ngoài ra, để nuôi dưỡng chim tốt hơn nhà đầu tư cần nuôi thêm côn trùng cho chim, làm máng phun nước trong khu vực nuôi y để chim uống.

Theo TBKTSG Online
Share this post

0 comments

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
 
© 2011 Kỹ thuật nuôi yến: Bí quyết nuôi chim yến thành công
Designed by BlogThietKe Cooperated with Duy Pham
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSS Comments RSS
Back to top