TT - Người nuôi yến có thu nhập, nhưng người dân không
nuôi yến mà phải sống trong âm thanh cà réc, cà réc suốt ngày chẳng dễ
dàng chút nào.
Để dụ chim yến, nhiều nhà nuôi chim bật loa thiệt lớn.
Thiên hạ chịu không thấu. Nỗi bức xúc gửi lên các cơ quan nhà nước không
xong, nhiều nơi người dân phải “tự xử” với nhau.
Nhiều nhà nuôi yến nằm ngay trong khu dân cư thị xã Gò Công - Ảnh: NGỌC TÀI |
Lấy chim ưng trị chim yến
Chị bán nước trước chợ Gò Công lắc đầu ngán ngẩm: “Mấy
anh mới tới thấy còn bình thường, chứ cái thứ tiếng ấy dội vô đầu suốt
đêm ngày chỉ có nước muốn điên!”. Ban đầu việc phản ảnh với các nhà có
nuôi yến còn bị xem là “trâu buộc ghét trâu ăn” nên hầu hết không ai nói
gì. Nhưng nỗi bức xúc của người dân thị xã Gò Công cũng cứ âm ỉ như
tiếng chim yến, có trường hợp không chịu nổi đã dẫn đến xung đột tay
chân.
Cách đây hai tháng, do người hàng xóm nuôi yến không
đáp ứng yêu cầu của mình, những người trong xóm anh Quy đã đồng lòng bàn
cách khống chế lại nhà nuôi yến này. Lên mạng tìm hiểu được khắc tinh
của yến là loài chim ưng, cú mèo, những người này đã gom 2 triệu đồng
chơi một bộ loa có công suất lớn, rồi tải tiếng chim ưng về. Coi như đã
có một “đài phát thanh chim ưng”. Ban đầu chỉ để cảnh cáo, bắt người chủ
nuôi yến kia phải nhượng bộ, hạ âm lượng và giảm thời gian phát loa.
“Ngày đầu người hàng xóm còn thách thức, coi như không
có chuyện gì. Chúng tôi chỉ mở loa phát tiếng chim ưng hơn một giờ rồi
thôi. Đến ngày sau, chúng tôi mở thêm một tiếng vào buổi chiều nữa thì
quả thật chim yến nhà này không thấy bay về nhiều như thường lệ. Đến
đêm, hàng xóm leo từ nhà mình qua đập luôn bộ loa phát tiếng chim ưng” -
anh Quy kể.
Màn “đấu” tiếng chim dẫn đến việc to tiếng giữa người
nuôi chim và hàng xóm. Vụ việc sau đó suýt nữa xảy ra xung đột tay chân,
phải ra công an phường để giải quyết. Người nuôi yến kia phải đền bù
lại máy móc và đồng ý giảm âm thanh dẫn dụ. “Hàng xóm với nhau bao nhiêu
năm, người ta làm ăn được thì mình mừng chứ chẳng muốn phá làm gì.
Nhưng thật sự không chịu đựng nổi. Muốn nổ cả đầu. Nếu mà những người
nuôi chim yến ý thức được chút ít thì đâu đến nỗi mất tình hàng xóm” -
bà Chính, hàng xóm anh Quy, buồn buồn kể.
Một căn nhà nuôi yến vừa mới xây xong ở thị xã Gò Công - Ảnh: SƠN LÂM |
“Tị nạn” tiếng yến
Dạo một vòng phố, chúng tôi không khỏi ngợp trước cảnh
yến chập chờn bay trên các nóc nhà. Những chiếc loa phát tiếng yến liên
tục. Ở Gò Công từ sáng đến chiều, cái tiếng cà réc, ken két của tiếng
chim yến đã bắt đầu trở thành “vấn đề” của thị xã.
Theo anh Quốc, giám đốc Công ty TNHH Yến Gò Công, việc
mở loa dẫn dụ yến có hiệu quả thật sự chỉ vào ban ngày, nhất là đầu giờ
sáng và cuối buổi chiều. Đó là hai thời điểm những con chim yến chưa làm
tổ bắt đầu bay đi ăn và về. “Nhưng nhiều người nuôi cứ mở suốt ngày đêm
để mong tìm thêm chim lạc, gây ảnh hưởng đến xung quanh mà hầu như
không hiệu quả” - anh Quốc nhận định.
Theo
thống kê của Phòng Kinh tế UBND thị xã Gò Công, hiện có 208 điểm nuôi
chim yến trong các hộ dân. Tính trên số dân hiện tại khoảng 100.000
người thì có lẽ thị xã Gò Công đang có tỉ lệ nuôi yến giữa đô thị cao
nhất nước. Ngày 10-4-2012, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành chỉ thị 11 về
quản lý việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến, theo đó kiểm soát không cho
phát sinh các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi mới ở nội thành, nội thị, nội ô,
thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung, công sở, bệnh viện, trường học,
chợ, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng…
|
Sống với tiếng yến rền rĩ suốt ngày, vợ chồng anh Đức, P.2, thị xã Gò Công, đã phải tính đến phương án chuyển nhà đi nơi khác.
“Tui stress cả hai năm nay vì tiếng máy phát tiếng yến,
một phần vì không nghỉ ngơi được, một phần ức chế vì thái độ dửng dưng
của người phát loa dẫn dụ”, anh Đức kể.
Từ khi căn nhà sát vách phía sau mở loa dụ yến là nhà
anh có thêm một âm thanh mới chói tai suốt ngày đêm. Làm giáo viên, anh
Đức không cách gì tập trung cho công việc soạn giáo án. Vợ anh Đức cũng
tương tự, stress giống chồng. Căn nhà vốn êm đềm trở thành nơi mất ăn
mất ngủ. Hai năm qua, cứ đến mùa hè là vợ chồng anh Đức bỏ luôn cả việc
dạy thêm, dẫn con về nhà ngoại ở cách Gò Công hơn 30km để “tị nạn” tiếng
yến. Chuyện bán nhà đi nơi khác cũng đã được hai vợ chồng tính đến,
nhưng ở thị xã Gò Công hiện tại đi đâu cũng dính tiếng yến, công việc
lại không cho phép rời khỏi thị xã, cả gia đình anh Đức đành tiếp tục
chịu khổ trong căng thẳng triền miên.
Tương tự, một thầy giáo ở gần nhà anh Đức cũng đau đầu
vì cả thầy lẫn trò không thể tập trung trong các buổi dạy thêm tại nhà.
Thầy giáo bức xúc: “Giờ tui đã về hưu, chỉ dạy thêm ở nhà. Mà tiếng chim
cứ léo réo thế này, thầy trò làm sao tập trung được”. Thầy giáo này cho
biết đang lên kế hoạch cách âm hoặc mướn điểm khác để có thể dạy thêm
cho học trò.
Một cán bộ ở thị xã Gò Công so sánh: “Có nghe nhạc mà
không nghe đúng bài mình thích đã khó chịu rồi, đằng này cái tiếng yến
nó... kỳ cục lắm. Ức chế đến muốn điên, không làm được việc gì ra hồn”.
Không riêng gì anh này, những đồng nghiệp của anh cũng bị tiếng cà réc
cà réc của loa dẫn dụ yến như cứa vào não, bủa vây từ cơ quan, ngoài
đường cho đến lúc về nhà.
Anh Ngô Hải Quy, ở P.2, thị xã Gò Công, than thở: “Hai
đứa con của tui cứ đi học về là vào ngay trong phòng đóng cửa lại. Ban
ngày còn đỡ, chứ ban đêm nằm xuống mà cứ phải ức chế bởi tiếng chim réo
rắt trong đầu không nghỉ ngơi gì được !”.
Tiếp lời anh Quy, bà Nguyễn Thị Chín kế nhà anh Quy thở
dài: “Tui năm nay đã 83 tuổi, già khó ngủ, mà mấy nhà xung quanh cứ mở
loa vang rền như thách thức, tức đến đổ bệnh mà không biết làm gì”.
Ông Trần Văn Lâm, phó chủ tịch UBND thị xã Gò Công, cho
biết từ khi rộ lên phong trào nuôi yến, người dân gửi đơn thưa kiện
liên quan đến vấn đề này rất nhiều. “Đa số là phàn nàn, khiếu kiện về
việc mở loa lớn. Nhưng khổ nỗi, tiếng dẫn dụ này chủ yếu là vì âm thanh
khó chịu chứ không phải vì âm lượng lớn. Nhiều lần chúng tôi tổ chức đo
đạc lượng âm thanh ở các điểm dẫn dụ yến nhưng đều thấp hơn mức được
phép mở, đành chịu”, ông Lâm cho hay.
Vì thế “cuộc chiến” giữa chim và người vẫn tiếp diễn.
Tiếng chim yến vì vậy vẫn hót cà réc cà réc mỗi ngày trên bầu trời thị
xã hiền hòa.
SƠN LÂM - NGỌC HẬU
Theo tuoitre.vn
0 comments