Chuyên trang chia sẻ, phổ biến kiến thức, kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà theo công nghệ của các nước có nghề yến phát triển như Indo, Malaysia, cũng như kinh nghiệm thực tế đầu tư nuôi yến tại Việt Nam. Website này được phát triển bới Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Yến Vương, chuyên nhập khẩu và phân phối thanh làm tổ red meranti, thiết bị nuôi yến, nhạc yến, hóa chất dẫn dụ... từ Malaysia

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Chim vẫn hót, người vẫn cãi nhau

TT - Với sự phát triển nhanh chóng một cách tự nhiên, yến sào trở thành nguồn tiềm năng kinh tế lớn. Nhưng cũng như các địa phương đang phát triển yến sào trên cả nước, việc quản lý và tìm hướng để khai thác nguồn tài nguyên này đang gặp không ít trở ngại.

Cặp loa dùng để phát tiếng chim yến - Ảnh: chimyensaigon

Cho đến nay việc phát triển nhà yến ở thị xã Gò Công (Tiền Giang) nói riêng và cả vùng Gò Công nói chung đều hoàn toàn tự phát. Theo ông Trần Minh Hoàng, phó trưởng phòng kinh tế UBND thị xã Gò Công, mặc dù được liệt vào danh mục chăn nuôi, nhưng do chưa có một văn bản nào quy định về việc dẫn dụ và gây nuôi yến, nên ngành nghề này gần như được “thả trôi”, mặc cho người dân và doanh nghiệp tự phát triển.

Người nuôi phập phồng

Một lãnh đạo ở UBND thị xã Gò Công cho biết đến thời điểm này, UBND chưa hề cấp bất kỳ giấy phép nào để người dân xây dựng nhà nuôi yến. Người dân nuôi yến chủ yếu xin giấy phép cất nhà mới hoặc cơi nới, sửa chữa rồi mặc nhiên gắn thêm thiết bị dẫn dụ yến.
Trao đổi về điều này, ông Trần Bảo Quốc, giám đốc Công ty TNHH Yến Gò Công, thừa nhận từ trước đến nay, việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến sao cho hợp lý nhất giữa thị xã vẫn hoàn toàn dựa vào ý thức của những người làm. “Mở loa dẫn dụ cho phù hợp, xây dựng sao cho phù hợp với phố phường xung quanh đều do người nuôi định đoạt. Nhưng rõ ràng việc không có một văn bản nào quy định, cho đến khi cả thị xã trở thành một nhà yến khổng lồ thì chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn trong vấn đề ổn định đô thị” - ông Quốc chia sẻ.

Chính ông Quốc khi thuê lại mái vòm chợ thị xã Gò Công và dinh tỉnh trưởng cũ để khai thác yến cũng gặp vấn đề. Bởi đến năm 2011, khi đàn yến đã phát triển đông thì gặp phải sự phản đối của người dân về chuyện vệ sinh đối với trường hợp ở chợ thị xã Gò Công và việc “tổn hại di tích” ở dinh tỉnh trưởng cũ.
Theo ông Quốc, khi nghe phản ảnh, Công ty TNHH Yến Gò Công đã nhanh chóng khắc phục theo yêu cầu của người dân. Nhưng ban quản lý chợ thị xã Gò Công và Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao thị xã Gò Công (đơn vị chủ quản dinh tỉnh trưởng cũ) đã đồng loạt đơn phương cắt hợp đồng, không cho Công ty TNHH Yến Gò Công tiếp tục khai thác, đồng thời cưỡng chế, đóng cửa đường ra vào của yến.
Điều này khiến Công ty TNHH Yến Gò Công bị thiệt hại nặng nề về trang thiết bị cũng như tổ yến chưa thu hoạch. Hiện Công ty TNHH Yến Gò Công đang gửi đơn kiện lên TAND thị xã Gò Công.
“Nếu có một văn bản hay quy định từ trước, chắc hẳn Công ty TNHH Yến Gò Công của chúng tôi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và không phải gặp những sự cố “đáo tụng đình” đáng tiếc này...” - ông Quốc nhận định thêm.

Không chỉ riêng ông Quốc, những người đang sở hữu nhà yến ở Gò Công dù đang ổn định về nguồn lợi từ chim yến nhưng vẫn phập phồng vì không biết mai này sẽ ra sao. Một người có hai căn nhà yến và một điểm cơi nới sân thượng để dẫn dụ chim yến bộc bạch: “Việc nuôi yến giữa nội ô thị xã có tác hại hay không, đúng sai chưa bàn, nhưng ngày nào chưa có một quy định cụ thể thì chúng tôi vẫn chưa thể yên tâm...”.
Ông Trần Văn Lâm, phó chủ tịch UBND thị xã Gò Công, cho biết hiện tại UBND đã có quy hoạch vùng xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, cách thị xã khoảng 10km để tập trung nuôi yến lâu dài.
Đàn yến làm tổ trong nhà yến (Gò Công) - Ảnh tư  liệu của Yến sào Mười Thiết

Chính quyền lúng túng

Ông Lê Văn Hưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết đây là vấn đề mới nên rất khó khăn, tỉnh cũng chưa có giải pháp cụ thể. UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT có quy định hướng dẫn về vấn đề này nhưng cũng chưa nhận được ý kiến phản hồi.
Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo cho nhiều sở, ban ngành liên quan bắt đầu thống kê và quy hoạch vùng chuyên nuôi yến. “Nghề nuôi yến mặc dù là nghề chăn nuôi nhưng không thể quản lý thông thường vì thực chất người dân không nuôi mà chỉ làm nhà để cho yến trú ngụ và khai thác. Trước mắt, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp giấy phép xây dựng ở địa phương phát triển nghề nuôi yến. Sở NN&PTNT sẽ là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các sở ngành và UBND các huyện để tổ chức quản lý việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh” - ông Hưởng cho biết.
Trước đó, tháng 4-2012, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành chỉ thị để hướng dẫn các cơ quan chức năng quản lý việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này cũng yêu cầu Sở NN&PTNT trong tháng 9-2012 tham mưu cho UBND tỉnh về việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến.
Thậm chí UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT quy hoạch khu vực, vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và xây dựng lộ trình di dời các cơ sở hiện có trong nội thành, nội thị, nội ô... đến nơi quy hoạch. Chỉ thị cũng nêu rõ Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm soát không cho phát sinh các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi mới trong nội thành, nội thị...
Rõ ràng chỉ thị của UBND tỉnh khá hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại, thế nhưng với người dân trong thị xã Gò Công thì việc phải chịu đựng những hộ đang nuôi yến thêm tám năm là một thời gian quá dài. Một giáo viên ở phường 2, thị xã Gò Công thẳng thắn: “Mới sống trong cảnh khổ vì yến có hai ba năm thôi mà đã muốn bứt hết rồi, sao chờ tám năm được nữa?”.
Ngay cả chính những người nuôi yến trong thị xã cũng đang băn khoăn với kế hoạch này. Một chủ cơ sở nuôi yến nhìn nhận: “Hiện tại khu quy hoạch thì chưa rõ ràng. Mà đàn yến đã dẫn dụ về ổn định là rất khó bỏ đi. Nếu chúng tôi bán nhà yến bây giờ thì họa may có đủ tiền để về khu quy hoạch mới, nhưng sự thất thoát và khả năng gầy dựng lại là rất chậm. Huống chi tám năm nữa cơ sở nào cũng đã đầy yến, dễ gì bỏ”.
Hơn thế, quản lý làm sao để không phát sinh tụ điểm gây nuôi yến trong khu vực thị xã vẫn còn đang gặp nhiều trục trặc. Theo ghi nhận của chúng tôi, dù chỉ thị này có từ tháng 4-2012 nhưng đến nay còn nhiều điểm trong thị xã vẫn đang tiếp tục cơi nới để dẫn dụ chim yến.
Các sở, ban ngành vẫn còn lúng túng trong việc tìm giải pháp cho nghề này. Hiện nay người dân trong nội thị tiếp tục xin giấy phép xây dựng, cơi nới nhà ở với mục đích nuôi yến. Một cán bộ ở thị xã Gò Công cho biết: “Có xử phạt thì cùng lắm là xử phạt người dân sử dụng sai công năng mục đích xây dựng, nhưng khi kiểm tra họ vẫn nói họ ở trong đó thì làm sao! Họa chăng chỉ có thể thu gom dụng cụ dẫn dụ chim yến mà thôi...”.
SƠN LÂM - NGỌC HẬU

Theo tuoitre.vn
 
Share this post

0 comments

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
 
© 2011 Kỹ thuật nuôi yến: Bí quyết nuôi chim yến thành công
Designed by BlogThietKe Cooperated with Duy Pham
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSS Comments RSS
Back to top